Trong bài này, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu về cấu trúc tạo thành 1 câu đơn giản trong tiếng Thổ. Bài hơi dài nên bạn có thể chia nhỏ ra để tìm hiểu dần cho dễ nhớ nhé!
Cấu trúc câu trong ngôn ngữ này khá ngược so với tiếng Việt nên bước đầu có thể gây khó khăn cho các bạn trong việc dùng từ và đặt câu. Nhưng khi đã quen rồi, bạn sẽ thấy thực ra nó dễ ẹc.
Trong tiếng Việt, cấu trúc câu là:
Chủ Ngữ + Động từ + Tân ngữ (tôi đến trường học)
Trong tiếng Thổ, cấu trúc là
Chủ Ngữ + Tân ngữ + Động từ
(Ben okula gidiyorum – tôi trường học đến)
Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về các dạng câu nhé!
1. “Là” – động từ tobe
Trong tiếng Việt, chúng ta có từ “là” – gần như động từ tobe trong tiếng Anh.
Tiếng Thổ thì sao? Vì cấu trúc câu “Chủ ngữ – tân ngữ – động từ” nên động từ “là” trong tiếng Thổ cũng sẽ tuân theo cấu trúc này, đó là đứng ở cuối câu.
Động từ “là” trong tiếng Thổ được biến đổi trực tiếp vào danh từ hoặc tính từ trong câu. Chúng ta sẽ tìm hiểu về danh từ trước nhé.
Ví dụ nhé:
- Tôi là bác sĩ -> Ben doktorum -> “um” ở đây chính là động từ “là”, và nó sẽ biến đổi theo các ngôi khác nhau.
- Bạn là bác sĩ => Sen doktorsun => động từ “là” chính là đuôi “sun” cho ngôi “sen”
- Các bạn là bác sĩ => Siz doktorsunuz
- Cô ấy/anh ấy là bác sĩ => O doktor. => với ngôi “o”, chúng ta giữ nguyên danh từ, không thêm đuôi.
- Họ là bác sĩ => Onlar doktorlar
Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy cách chia này khá quen và đã gặp ở đâu rồi đúng không?
Bạn đúng rồi đấy! Bài trước, chúng ta đã học cách nói quốc tịch, chắc hẳn bạn còn nhớ các cách thêm vào đuôi từ “Vietnamlı” như sau: Vietnamlıyım, Vietnamlısın, Vietnamlıyız, Vietnamlısınız, Vietnamlı, Vietnamlılar.
Vậy quy luật thêm vào đuôi của danh từ như thế nào?
Như mình đã nói từ bài trước, quy luật “thêm đuôi dựa vào nguyên âm cuối cùng trong từ” được dùng trong gần như toàn bộ ngữ pháp tiếng Thổ, chỉ cần bạn học thuộc được quy luật này, bạn sẽ thêm được đuôi của tất cả các danh từ lẫn tính từ trong tiếng Thổ.
Lưu ý: Nguyên âm là các chữ cái sau: a, e, o, u, i, ı, ö, ü
- Với danh từ có nguyên âm cuối cùng là e i
öğretmen
Giáo viên
- Ben öğretmenim
- Sen öğretmensin
- O öğretmen
- Biz öğretmeniz
- Siz öğretmensiniz
- Onlar öğretmenler.
- Với danh từ có nguyên âm cuối cùng là ö ü
Türk
Người Thổ
- Ben Türküm
- Sen Türksün
- O Türk
- Biz Türküz
- Siz Türksünüz
- Onlar Türkler
- Với danh từ có nguyên âm cuối cùng là a, ı
Alman
Người Đức
- Ben Almanım
- Sen Almansın
- O Alman
- Biz Almanız
- Siz Almansınız
- Onlar Almanlar
- Với danh từ có nguyên âm cuối cùng là o, u
Doktor
Bác sĩ
- Ben doktorum
- Sen doktorsun
- O doktor
- Biz doktoruz
- Siz doktorsunuz
- Onlar doktorlar.
2. Tính từ
Tính từ sẽ biến đổi đuôi theo quy luật không khác gì với danh từ như phần trên.
Güzel
Đẹp
- Ben güzelim
- Sen güzelsin
- O güzel
- Biz güzeliz
- Siz güzelsiniz
- Onlar güzeller.
Quy luật đặc biệt
Quy luật 1. Với danh từ/tính từ kết thúc bằng nguyên âm thì với ngôi “ben” và “biz”, cần thêm “y” trước khi thêm các hậu tố theo quy luật.
öğrenci
Học sinh
Phân tích: Nguyên âm cuối cùng của từ này là “i” và đồng thời danh từ này cũng kết thúc bằng nguyên âm, như quy luật bên trên chúng ta sẽ thêm các đuôi sau cho các ngôi:
- Ben öğrenciyim
- Sen öğrencisin
- O öğrenci
- Biz öğrenciyiz
- Siz öğrencisiniz
- Onlar öğrenciler
Quy luật 2: Với danh từ/tính từ kết thúc bằng phụ âm “k”, với ngôi “Ben” và “Biz” chúng ta sẽ thay “k” bằng “ğ”.
Bebek
Em bé
- Ben bebeğim
- Sen bebeksin
- O bebek
- Biz bebeğiz
- Siz bebeksiniz
- Onlar bebekler
3. Địa điểm
Khi nói về địa điểm, chúng ta chỉ cần thêm “de” hoặc “da” trước khi thêm đuôi chia theo ngôi nhé. Các bạn có thể hiểu nôm na, “de”/”da” ở đây mang nghĩa “ở” (như in/at trong tiếng Anh)
Ben evdeyim
Tôi ở nhà
Phân tích:
Ev => nhà
De => ở
“im” => đuôi của ngôi “ben”
Thêm “y” trước khi thêm đuôi “im” vì như quy luật đặc biệt đề cập phần bên trên, evde là từ kết thúc bằng nguyên âm.
Vậy khi nào thì thêm “de”, khi nào thì thêm “da”?
Lại là quy luật quen thuộc:
– Danh từ có nguyên âm cuối cùng là e, i, ö, ü, chúng ta sẽ thêm “de”
Ví dụ:
- ev -> evde (ở nhà)
- nehir -> nehirde (ở sông)
- göl -> gölde (ở hồ)
– Danh từ có nguyên âm cuối cùng là a, ı, o, u, chúng ta sẽ thêm “da”
Ví dụ:
- okul -> okulda (ở trường)
- dışarı -> dışarıda (ở bên ngoài)
- lokanta -> lokantada (ở nhà hàng)
- yol -> yolda (ở trên đường)
Quy luật đặc biệt (lại nữa 🙂 )
Với danh từ chỉ địa điểm kết thúc bằng “s”, “ş”, “ç”, “f”, “k”, “t”, “p”, chúng ta sẽ thêm “te” hoặc “ta” thay vì “de” hoặc “da”.
Ví dụ:
- sınıf -> sınıfta (ở lớp)
- market -> markette (ở siêu thị)
- iş -> işte (ở chỗ làm)
- ofis -> ofiste (ở văn phòng)
- park -> parkta (ở công viên)
- Gaziantep -> Gaziantepte (ở Gaziantep)
- maç -> maçta (ở trận đấu)
4. Số thứ tự
Cách tạo nên số thứ tự từ số đếm, chúng ta chỉ cần thêm đuôi “inci”, “uncu”, “ıncı”, “üncü”,
Quy luật cũng y hệt như bên trên:
- Với số có nguyên âm cuối cùng là e, i chúng ta thêm đuôi “inci” (ngoài trừ số 2 và 7, chúng ta chỉ thêm “nci” vì 2 số này vốn kết thúc bằng nguyên âm “i” nên người Thổ lược bỏ bớt 1 chữ “i”)
- Với số có nguyên âm cuối cùng là ö, ü, chúng ta thêm đuôi “üncü”
- Với số có nguyên âm cuối cùng là a, ı, chúng ta thêm đuôi “ıncı” (ngoại trừ số 6, với lý do tương tự số 7 bên trên)
- Với số có nguyên âm cuối cùng là o, u, chúng ta thêm đuôi “uncu”
Cụ thể như sau:
- 1 -> birinci / ilk (có thể dùng cả birinci lẫn ilk, đều đúng)
- 2 => ikinci
- 3 -> üçüncü
- 4 => dördüncü
- 5 => beşinci
- 6 => altıncı
- 7 => yedinci
- 8 => sekizinci
- 9=> dokuzuncu
- 10 => onuncu
- …
5. Phủ định
Để tạo thành câu phủ định, bạn chỉ cần thêm “değil” vào sau danh từ/tính từ/địa điểm và chia chính từ “değil” đó.
aktör
diễn viên
- Ben aktör değilim
- Sen aktör değilsin
- O aktör değil
- Biz aktör değiliz
- Siz aktör değilsiniz
- Onlar aktör değiller
Bài hôm nay khá dài và nhiều điều cần nhớ nhỉ, nhưng khi bạn đã quen với quy luật trên thì nó sẽ biến thành phản xạ khi sử dụng, thậm chí không cần nhớ bạn cũng có thể nói và viết được.
Để nó biến thành phản xạ thì chúng ta không có cách nào khác ngoài làm bài tập và thực hành thật nhiều!
6. Bài tập
- Bạn hãy viết 10 tính từ và 10 danh từ tùy ý, sau đó chia theo các ngôi. Các bạn có thể tham khảo một số danh từ và tính từ như flashcard bên dưới nhé
Flashcard - Làm bài tập trắc nghiệm sau để xem mình nắm vững kiến thức chưa nhé!
Trắc nghiệm - Bạn hãy dịch các câu sau sang tiếng Thổ nhé
- Bạn rất xinh đẹp!
- Anh ta làm giáo viên ở trường.
- Lớp học ở tầng thứ 7.
- Họ là người Tây Ban Nha
- Chúng tôi là cảnh sát
- Tôi không ở bên ngoài
- Các bạn không phải là sinh viên
- Họ không có ở lớp học số 6
- Cô ấy không ở bệnh viện
Trong phần Flashcards, mình thấy 2 từ viết sai, từ thứ 1 là tutsuz ( nhạt) từ đúng phải là tuzsuz (nhạt). Từ thứ 2 là từ yanlız ( cô đơn) từ đúng phải là yalnız ( cô đơn). Mình không biết là do phần mềm lỗi hay gì nhưng mình hì vọng bạn có thể kiểm tra và sửa lại để mọi người học đúng từ. Cẩm ơn bạn nhiều
LikeLike
Ồ mình vừa kiểm tra lại, đúng là 2 từ đó bị sai thật, mình đã sửa lại rồi, cảm ơn bạn nhiều nha. Hy vọng nhận được nhiều góp ý của bạn hơn nữa.
Chương trình flashcard này nó hay tự nhảy chữ nên sau khoảng 5-6 bài thì mình ko còn làm flashcard trên này nữa do chỉnh lại hơi cực, bạn đọc các bài sau sẽ thấy phần bài tập mình chụp ảnh từ sách luôn cho gọn. Nếu bạn tìm được thêm lỗi sai cứ báo mình nha, cảm ơn bạn nhìu nhìu!
LikeLike
Đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về
Đừng thấy quy luật mà lệ rơi thành dòng :))))
…Vì đã có thần chú để ghi nhớ cho quy luật thêm “ta”/”te” đối với danh từ chỉ địa điểm kết thúc bằng “s”, “ş”, “ç”, “f”, “k”, “t”, “p” –> “Kà Fê Phở Tái Sáng Şang Çhảnh”. Hahahahha
LikeLiked by 1 person
hahahaha cách nhớ của em hay tuyệt!!!!
Người Thổ họ cũng có từ để nhớ là “Fıstıkçı Şahap” (quả hồ trăn, hay còn gọi là hạt dẻ cười) – chứa đầy đủ các phụ âm đặc biệt cần nhớ (thực ra phụ âm “h” cũng là 1 trong các phụ âm đặc biệt nhưng nó đặc biệt kiểu khác chứ ko như các phụ âm trên). Cách nhớ của em đúng là cứu cánh cho các chị em VN đang loay hoay tìm cách nhớ đó kkkkk
LikeLiked by 1 person