Hôm nay chúng ta sẽ học về cách lập câu với động từ khởi phát nhé.
Cách tạo thành câu với động từ khởi phát
Chắc các bạn thắc mắc ở những ví dụ bài trước, khi thì tân ngữ được thêm hậu tố đối cách (i/ı/u/ü), khi lại được thêm hậu tố -e/-a đúng không nhỉ? Tất cả sẽ được giải đáp ở bài hôm nay!
Trước khi đi vào tìm hiểu cách đặt câu, chúng ta sẽ tìm hiểu về tân ngữ gián tiếp, tân ngữ trực tiếp, nội động từ và ngoại động từ nhé.
- Tân ngữ trực tiếp là gì?
Tân ngữ trực tiếp là người/vật nhận tác động đầu tiên của hành động
Ví dụ
Seni seviyorum
Anh yêu em
Tân ngữ trực tiếp ở đây là Seni.
Hay nói cách khác, tân ngữ trực tiếp là tân ngữ được thêm hậu tố đối cách vào đằng sau.
- Tân ngữ gián tiếp là gì?
Tân ngữ gián tiếp là người/vật mà hành động xảy ra đối với (hoặc dành cho) người/vật đó.
Ví dụ:
O bana bir kitap verdi
Anh ấy đưa tôi một quyển sách
Tân ngữ gián tiếp ở đây là Bana
Hay nói cách khác, tân ngữ gián tiếp là tân ngữ được thêm các hậu tố -e/a, -den/-dan vào đằng sau
- Nội động từ là gì?
Nội động từ là động từ diễn tả hành động nội tại của chủ thể thực hiện hành động. Hành động của chủ thể đó không tác động trực tiếp lên bất kỳ đối tượng nào.
Ví dụ: oturmak ngồi, koşmak chạy, gelmek tới, gitmek đi, yatmak nằm, uyumak ngủ, yağmak mưa, düşmek ngã, ağlamak khóc,…
Nói cách khác, nội động từ là động từ có thể có tân ngữ gián tiếp nhưng không có tân ngữ trực tiếp.
Vì không có tân ngữ trực tiếp, chúng ta không thể đặt câu hỏi kimi?/neyi? “cái gì/ai” cho các câu sử dụng nội động từ (chúng ta không thể đặt câu hỏi neyi oturuyor “ngồi cái gì” được, đúng không nào?)
- Ngoại động từ là gì?
Ngoại động từ là động từ diễn tả hành động mà chủ thể thực hiện hành động gây ra hoặc tác động đến chủ thể khác.
Ví dụ: izin vermek cho phép, bağırmak quát, beğenmek thích, sevmek yêu, bulmak tìm, vermek đưa, bırakmak bỏ, görmek nhìn,…
Nói cách khác, ngoại động từ là động từ có tân ngữ trực tiếp.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi kimi?/neyi? “cái gì/ai” cho các câu sử dụng ngoại động từ (ví dụ: kimi beğeniyor? “thích ai?”, neyi izin veriyor “cho phép cái gì”, neyi buluyor “tìm cái gì”,…).
Vậy tại sao chúng ta phải tìm hiểu về nội động từ và ngoại động từ?
Vì hai loại động từ này rất quan trọng để chúng ta xác định hậu tố được thêm vào sau các loại tân ngữ ở câu có động từ khởi phát.
- Với động từ khởi phát được phát triển từ nội động từ, chúng ta sẽ có tân ngữ trực tiếp. Chúng ta thêm -I (i/ı/u/ü) vào sau tân ngữ trực tiếp này. (Nếu ở câu gốc có tân ngữ gián tiếp, chúng ta giữ nguyên hậu tố của tân ngữ gián tiếp, không thay đổi).
Lưu ý: Các bạn có thể bối rối vì bên trên mình vừa viết “nội động từ là các động từ không có tân ngữ trực tiếp“, tại sao bây giờ mình lại bảo có tân ngữ trực tiếp đúng không? Hãy nhớ lưu ý kỹ: tân ngữ trực tiếp mình đang nói tới ở đây là TÂN NGỮ CỦA ĐỘNG TỪ KHỞI PHÁT VỪA ĐƯỢC TẠO NÊN (từ nội động từ), chứ không phải nội động từ có tân ngữ trực tiếp. Nói cách khác, nội động từ sau khi thêm hậu tố để biến thành động từ khởi phát, thì động từ khởi phát này chính là ngoại động từ chứ không còn là nội động từ nữa. Do vậy nó sẽ có tân ngữ trực tiếp.
Ví dụ
Động từ oturmak ngồi
Ben yere oturdum
Tôi ngồi xuống đất
Động từ oturmak là nội động từ. “Yer” là tân ngữ gián tiếp của oturmak trong ví dụ này.
Annem beni yere oturttu
Mẹ bắt tôi ngồi xuống đất
Sau khi biến oturmak thành oturtmak, thì oturtmak là ngoại động từ.
Trong ví dụ trên, tân ngữ trực tiếp “ben” đã biến thành beni. Còn tân ngữ gián tiếp “yer” thì vẫn giữ nguyên hậu tố : yere
- Với ngoại động từ, chúng ta giữ nguyên tân ngữ trực tiếp và thêm -E (e/a) vào sau tân ngữ gián tiếp trong câu có động từ khởi phát (tân ngữ gián tiếp chính là chủ thể mà bị chủ ngữ bắt làm gì đó)
Ví dụ
Öğrenciler kompozisyonu yazdılar
Học sinh đang viết bài luận
Chúng ta có thể thấy động từ yazmak viết có tân ngữ trực tiếp là kompozisyonu bài luận. Nếu muốn đổi thành câu có động từ khởi phát là “giáo viên bắt học sinh viết bài luận” chẳng hạn, chúng ta xác định: tân ngữ trực tiếp “bài luận” sẽ không thay đổi, còn tân ngữ gián tiếp chính là “học sinh” (vì “học sinh” là chủ thể đang bị cô giáo bắt làm gì đó – ở đây là bắt viết bài luận) sẽ được thêm -e/a vào sau.
Chuyển động từ yazmak viết thành dạng khởi phát: yazdırmak bắt (ai đó) viết, chúng ta sẽ có câu:
Öğretmen öğrencilere kompozisyonu yazdırdı
Giáo viên bắt học sinh viết bài luận
Một ví dụ tiếp theo:
Động từ kızmak giận.
Động từ này là ngoại động từ hay nội động từ?
Chắc bạn sẽ nghĩ là có thể đặt câu “giận cái gì” như trong tiếng Việt. Nhưng không, tiếng Thổ họ không đặt là neyi kızıyor, họ đặt là “neye kızıyor?“. Có nghĩa là, động từ kızmak sẽ đi kèm với tân ngữ gián tiếp chứ không phải tân ngữ trực tiếp.
Vì tiếng Việt không có biến đổi tân ngữ (trong tiếng Anh ít ra cũng có biến đổi tân ngữ cho đại từ nhân xưng, ví dụ như I – me, she – her,…), nên để phân biệt nội động từ và ngoại động từ, các bạn cần tránh đặt câu hỏi bằng tư duy tiếng Việt nhé.
Thay vào đó, các bạn hãy đặt câu hỏi tiếng Thổ: kimi/neyi khi cần tìm hiểu động từ này có phải ngoại động từ hay không.
Nếu không thể đặt được câu hỏi Kimi/Neyi mà chỉ đặt được những câu khác, ví dụ Kime/Neye, Kimden/Neden,… thì động từ này không phải là ngoại động từ.
Vì động từ kızmak không có tân ngữ trực tiếp nên kızmak là nội động từ.
Öğretmeni kızdırdım
Tôi làm cô giáo giận
Động từ khởi phát của kızmak là kızdırmak.
Vì kızdırmak được tạo nên từ nội động từ, nên tân ngữ trực tiếp của kızdırmak là Öğretmen sẽ phải thêm i để thành Öğretmeni
Vậy, rút gọn lại, cách đặt câu dùng động từ khởi phát có những bước sau:
- Xác định động từ gốc là nội động từ hay ngoại động từ. – RẤT QUAN TRỌNG
2. Xác định tân ngữ trong câu mới (câu có động từ khởi phát): ai/cái gì sẽ là tân ngữ gián tiếp, ai/cái gì sẽ là tân ngữ trực tiếp?
3a. Nếu động từ khởi phát được bắt nguồn từ ngoại động từ, chúng ta thêm vào sau tân ngữ gián tiếp đuôi e/a và giữ nguyên hậu tố của tân ngữ trực tiếp.
3b. Nếu động từ khởi phát bắt nguồn từ nội động từ, chúng ta thêm vào sau tân ngữ trực tiếp của động từ khởi phát đuôi i/ı/u/ü và giữ nguyên hậu tố của tân ngữ gián tiếp (nếu có).
Hy vọng bảng dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những gì mình giải thích ở bước 3a và 3b
Động từ khởi phát bắt nguồn từ ngoại động từ | Động từ khởi phát bắt nguồn từ nội động từ | |
Tân ngữ gián tiếp | thêm đuôi -e/-a | giữ nguyên hậu tố (nếu có) |
Tân ngữ trực tiếp | giữ nguyên hậu tố | thêm đuôi i/ı/u/ü |
4. Biến đổi động từ thành động từ khởi phát rồi chia theo thì và ngôi.
Lấy thêm 2 ví dụ nữa theo các bước trên nhé:
Ví dụ 1:
Động từ gốc okumak đọc
Ví dụ cần viết câu: Cô giáo sẽ bắt chúng tôi đọc sách
- Bước 1: Xác định động từ gốc là nội động từ hay ngoại động từ
Động từ okumak có tân ngữ trực tiếp không? Có (tân ngữ trực tiếp của okumak trong câu này là “sách“)
Bởi vì chúng ta có thể đặt câu hỏi neyi okuyor (đọc cái gì) – kitap okuyor (đọc sách)
Do đó, okumak là ngoại động từ.
- Bước 2: Xác định tân ngữ
Tân ngữ trực tiếp, như đã tìm thấy ở bước 1, đó chính là kitap sách
Tân ngữ gián tiếp trong câu cần đặt (Cô giáo sẽ bắt chúng tôi đọc sách ) là “chúng tôi” -> Biz.
- Bước 3: Thêm đuôi cho tân ngữ
Vì okumak là ngoại động từ nên chúng ta sẽ:
- Giữ nguyên tân ngữ trực tiếp: kitap
- Thêm e/a vào sau tân ngữ gián tiếp: Bize
- Bước 4: Biến đổi động từ thành động từ khởi phát rồi chia theo thì và ngôi
Vì okumak có kết thúc là nguyên âm (u) nên chúng ta thêm t -> Okutmak
Trong câu “cô giáo sẽ bắt chúng tôi đọc sách”, đây là thì tương lai, ngôi o (cô giáo) -> Okutacak.
- Vậy câu hoàn chỉnh sẽ là
Öğretmen bize kitap okutacak.
Ví dụ 2:
Động từ gốc: oturmak ngồi
Ví dụ cần viết câu: Hắn đã bắt tôi ngồi lên ghế (phát triển từ câu “Tôi ngồi lên ghế”)
- Bước 1: Xác định động từ gốc là nội động từ hay ngoại động từ
Động từ oturmak có tân ngữ trực tiếp không? Không
Bởi vì chúng ta không thể đặt câu hỏi neyi oturyor (ngồi cái gì).
Do đó, oturmak là nội động từ.
- Bước 2: Xác định tân ngữ
Tân ngữ trực tiếp trong câu cần đặt ( Hắn đã bắt tôi ngồi lên ghế ) là “tôi” -> Ben.
Tân ngữ gián tiếp trong câu gốc (tôi ngồi lên ghế: koltuğa oturdum) là “(ngồi lên) ghế” -> koltuğa (phát triển từ danh từ koltuk, thêm hậu tố –a và thay k bằng ğ trước khi thêm -a)
- Bước 3: Thêm đuôi cho tân ngữ
Vì oturmak là nội động từ nên chúng ta sẽ:
- Thêm i/ı/u/ü vào sau tân ngữ trực tiếp của động từ khởi phát được tạo thành từ động từ oturmak: Ben -> Beni
- Giữ nguyên hậu tố của tân ngữ gián tiếp: (ngồi lên) ghế: koltuğa
- Bước 4: Biến đổi động từ thành động từ khởi phát rồi chia theo thì và ngôi
Vì oturmak có kết thúc là chữ “r” nên chúng ta thêm t -> Oturtmak
Trong câu “hắn đã bắt tôi ngồi lên ghế”, đây là thì quá khứ, ngôi o (hắn) -> Oturttu.
Vậy câu hoàn chỉnh sẽ là:
(O) beni koltuğa oturttu
Chú ý
Một vài động từ vừa là nội động từ, vừa là ngoại động từ, tùy vào ngữ cảnh của câu.
Ví dụ: Geçmek đi qua, inmek xuống dưới, çıkmak đi ra, beklemek chờ đợi, gezmek đi dạo, yürümek đi bộ, çalışmak làm việc
Sınavdan sonra gezdik
Sau kỳ thi chúng tôi đã đi dạo vòng vòng
Trong câu này, Gezmek đi dạo là nội động từ, do chúng ta không thể hỏi neyi gezdik được. Ngữ cảnh trong câu chỉ tả là “chúng tôi đi dạo“, tức là một hành động nội tại của “chúng tôi”, không xác định đi dạo gì, không ảnh hưởng trực tiếp tới bất kỳ ai
Khi chuyển thành câu có động từ dạng khởi phát:
Sınavdan sonra bizi gezdirdi
Cô ấy đưa chúng tôi đi dạo sau kỳ thi
Trong ngữ cảnh này Gezdirmek là động từ khởi phát được tạo thành từ nội động từ gezmek nên tân ngữ trực tiếp của Gezdirmek là Biz sẽ biến thành Bizi.
Tüm İstanbul’u gezdik
Chúng tôi đã đi dạo hết Istanbul rồi
Trong câu này, Gezmek là ngoại động từ do tân ngữ rất rõ ràng là Istanbul, chúng ta hoàn toàn có thể hỏi “neyi gezdik?“ (câu trả lời: Istanbul’u )
Khi chuyển thành câu có động từ dạng khởi phát
Tüm İstanbul’u bize gezdirdi
Cô ta đưa chúng tôi đi dạo khắp Istanbul
Ngữ cảnh này Gezdirmek là động từ khởi phát được tạo thành từ ngoại động từ Gezmek nên tân ngữ trực tiếp Istanbul sẽ giữ nguyên hậu tố: vẫn là Istanbul’u, còn tân ngữ gián tiếp Biz sẽ thành Bize.
Văn phạm này thật sự dài và có những kiến thức mới, hơi rắc rối một chút so với những bài trước. Mình đã cố gắng giải thích chi tiết nhất có thể để các bạn hiểu bản chất của loại từ này. Mình đọc xong những gì mình viết, quả thật đôi lúc cũng thấy rối nữa 😦 nhưng khó có thể giải thích một cách sơ sài hay đơn giản hơn, vì như vậy các bạn sẽ chỉ hiểu bề nổi của văn phạm và sẽ quên rất nhanh. Nếu các bạn đọc chậm, phân tích kỹ từng câu từ, từng ví dụ trong bài, mình tin là các bạn sẽ hiểu rất kỹ.
Có thể với các bạn giỏi tiếng Anh thì văn phạm này khá dễ vì không bị bối rối trong phần xác định nội động từ – ngoại động từ, nhưng hầu hết mọi người sẽ gặp khó khăn ở phần biến đổi động từ bình thường thành động từ khởi phát. Lý do là vì gần như không có quy luật rõ ràng. Chúng ta chỉ có thể khắc phục bằng cách thực hành nói và viết thật nhiều tiếng Thổ thôi.
Nếu có gì thắc mắc hay cần mình giải thích kỹ hơn, các bạn có thể liên lạc với mình theo 1 trong 3 cách: comment dưới bài này, email cho mình hoặc inbox page facebook www.facebook.com/tiengthodeec nhé!
Bài tập
Điền hậu tố thích hợp cho các động từ trong câu

Điền hậu tố thích hợp cho động từ và tân ngữ
