Nâng cao kỹ năng đọc tiếng Thổ

Đọc là một kỹ năng quan trọng, trong bất cứ ngôn ngữ nào cũng thế. 

Trong tiếng Thổ, do cấu trúc ngôn ngữ ngược lại so với tiếng Việt, tiếng Anh nên đôi lúc người Việt sẽ bị loạn và phải đọc lại 1 câu vài lần mới hiểu được. 

Nếu không luyện đọc tiếng Thổ thường xuyên, khi đọc một văn bản bằng tiếng Thổ chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể hiểu được hết. 

Ngày trước mình rất sợ đọc các bài đọc trong sách học, một phần vì nó khô khan, không phải sở thích của mình, một phần vì nó có quá nhiều từ mới. Thậm chí những từ mình đã biết rồi đi nữa, nó cũng biến đổi thành một loại từ hoàn toàn khác chỉ bằng cách thêm 1 hậu tố lạ lùng nào đó sau nó. Khi đọc nhiều, mình dần dần có thể đoán được từ này, hậu tố này có nghĩa là gì trong văn cảnh đó. 


Một số lưu ý khi bạn muốn nâng cao kỹ năng đọc ngoại ngữ:

  • Hãy đọc những gì bạn yêu thích!
  • Hãy tâm niệm rằng, càng đọc nhiều, bạn sẽ càng biết nhiều về tiếng Thổ. Đọc 1-2 trang không làm tiếng Thổ của bạn khá hơn, mà đôi khi phải đọc tới vài cuốn sách, may ra bạn mới cảm nhận được sự thay đổi trong vốn từ vựng của mình. 
  • Hãy chấp nhận rằng bạn sẽ không thể hiểu hết được 1 quyển sách trong 1-2 lần đọc đầu tiên. Đừng sốt ruột về chuyện đó. Nhiều lúc, tiếng Việt mà chúng ta còn phải đọc 2-3 lần mới hiểu cơ mà, đúng không? 
  • Hãy luôn tóm tắt lại những gì mình đã đọc, có thể tóm tắt theo chương (nếu sách dài), hoặc tóm tắt nội dung từ quyển sách (với sách ngắn). Làm như vậy bạn vừa nhớ lại toàn bộ những gì mình vừa đoc, đồng thời nâng cao được cả kỹ năng viết của bản thân nữa. 

Một số cách mình đã áp dụng để nâng cao kỹ năng đọc tiếng Thổ của mình như sau:

Đọc truyện cổ tích của trẻ em

Cuối năm 2011, khi vẫn đang là sinh viên đại học tại Pháp, mình chưa đi học lớp tiếng Thổ nào cả mà hoàn toàn tự học.

Vì tự học nên có những văn phạm, những từ mới cực kỳ lạ mà thật sự mình không biết phải hỏi ai. Cảm giác thật giống một em bé mới chập chững học một ngôn ngữ mới. Vì thế nên mình nghĩ, tại sao mình không học giống một em bé nhỉ! Rồi mình tìm tới truyện cổ tích của trẻ em để đọc, vì đây là những quyển sách đơn giản nhất, dùng những câu chữ dễ hiểu nhất.

Bạn có thể tham khảo một số nguồn truyện cổ tích online trên youtube với từ khóa “Çocuk Masalları(thường trên youtube là họ sẽ đọc cho mình nghe), nhưng nếu muốn đọc văn bản, bạn có thể vào 2 web sau:

https://masaloku.com.tr/

Hoặc

http://www.masaloku.com

Ngày trước, mình đặt mục tiêu mỗi tuần mình phải đọc xong 1 truyện, đọc hiểu hoàn toàn 100%, dịch lại bằng tiếng Việt và học thuộc những từ mới có trong truyện đó.

Trong 2 tháng, mình cảm nhận được rất rõ ràng vốn từ vựng của mình tăng rất nhiều, đặc biệt là động từ hay những từ vựng về động vật.


Đọc quyển sách mình yêu thích

Khi bạn đã có vốn từ vựng kha khá và muốn nâng cao hơn, bạn có thể đọc 1 quyển truyện bạn yêu thích. Với riêng mình, phải đọc cái gì mình thấy thích thú thì mới tiếp thu được. Do vậy, mình đã từng đọc lại toàn bộ 7 tập sách Harry Potter bằng tiếng Thổ. 😀 

Tất nhiên, thời gian đầu mình rất bực bội vì cứ đọc được 1 đoạn là phải bỏ sách xuống để tra những từ mình không hiểu.

Sau đó mình nhận ra, cách làm thế chỉ khiến mình mất thời gian, dần dần sẽ mất động lực đọc. Vì vậy, mình đã thay đổi bằng cách: đọc song song 2 ngôn ngữ: Việt và Thổ.

Mình sẽ đọc mỗi đoạn ngắn bằng sách tiếng Việt trước, rồi đọc lại đoạn đó bằng tiếng Thổ. Thật sự dễ dàng và trôi chảy hơn rất nhiều. Những từ mới mình có thể note ngay ý nghĩa vào sách luôn, đồng thời hiểu ngay ý nghĩa của nó trong văn cảnh này phải như thế nào, thay vì tra từ điển rồi hoang mang trước hàng đống ý nghĩa được liệt kê ra của từ đó. 

Mình khuyên các bạn nên đặt sách giấy về đọc sẽ hay hơn. Cảm giác được sờ vào một quyển sách, mân mê từng trang sách nó tuyệt vời hơn rất nhiều cảm giác lăn chuột máy tính. Và tất nhiên sách giấy cũng giúp chúng ta dễ dàng để theo dõi, note lại hơn sách điện tử. 

Nếu không ở Thổ, bạn có thể lên các trang web đặt sách online quốc tế như Amazon để đặt sách, thêm vào sau tên sách những từ như “Turkish Edition” chẳng hạn. Ngoài ra, Thổ cũng có các bookstore online cung cấp dịch vụ ship sách đi toàn thế giới như:

https://www.idefix.com/

https://www.kitapyurdu.com/


Đọc tin tức online

Ngoài ra, mình cũng hay đọc tin tức online của Thổ để nâng cao kỹ năng đọc, đồng thời nắm bắt thêm về tình hình thời sự tại Thổ Nhĩ Kỳ. 

Một số trang tin tức mình hay đọc là

Hurriyet.com.tr

Ensonhaber.com

Haberler.com

Haberturk.com

Khi đọc trên những trang web này, chúng ta sẽ biết thêm nhiều về những gì đang xảy ra ở Thổ, về tình hình xã hội, tình hình kinh tế, về giới showbiz Thổ,…

Nhưng thật sự đọc nhiều tin tức về chính trị, xã hội của Thổ khiến mình hơi stress một chút vì phần lớn những tin tức đăng lên là tin không vui lắm. Cũng không trách được do vị trí địa lý tại Thổ quá nhạy cảm, gần với những nước hay xảy ra chiến tranh nên truyền thông Thổ buộc phải đưa tin về hàng xóm của mình thôi. 

Khi đọc những trang tin tức này, mình hay tránh những phần thời sự chính trị để đỡ đọc những tin đau đầu. Thay vào đó, mình đọc những tin tức về giới showbiz Thổ, về cuộc sống, công nghệ, hay những bài viết về sức khỏe (thường nó có chia thành các mục, cũng như các website tin tức ở Việt Nam vậy).


Đó là ba cách mình từng dùng để nâng cao kỹ năng đọc tiếng Thổ.

Hiện tại do không có nhiều thời gian rảnh như hồi sinh viên nên mình không còn đọc sách tiếng Thổ nữa mà mình đọc tin tức là nhiều. Nhưng thật sự nếu tìm được thời gian rảnh, mình vẫn rất thích mở sách giấy ra để nghiền ngẫm từng câu từ, từng cách hành văn, thực sự là một cảm giác thú vị khó tả! 

Published by Hoàng Lê Thanh Hà

A Turkey-addict.

3 thoughts on “Nâng cao kỹ năng đọc tiếng Thổ

  1. Vừa đọc xong post này của chị là em phải vào comment ngay ❤ ❤ ❤
    Trước hết là em cảm ơn series bí kíp của abla. Phải nói là quá ư dễ thương và mang tính sáng kiến để cho em "dắt túi" thêm vài cách học ngoại ngữ được hiệu quả hơn, chưa kể đến là góp một phần nhỏ vào công việc tutor và trợ giảng của em hiện nay. Thêm nữa là những kinh nghiệm của chị cũng tạo nên năng lực tích cực cho em trong quá trình rèn luyện ngoại ngữ hằng ngày, nhất là kỹ năng reading vì sẽ rất dễ nản hơn 3 kỹ năng còn lại mỗi khi gặp bài đọc mới ĐI KÈM THEO là lượng từ mới, hahahah.

    Liked by 1 person

  2. Sẵn nói về chuyện từ vựng, em cũng muốn bày tỏ sự băn khoăn của em với chị, do nó xuất phát từ quá trình em soạn bài tập cho mấy đứa học trò của em. Thì sáng nay em có ngồi xem toàn bộ quyển giáo trình Hitit 1 của Ankara University, em lại không thấy họ có hệ thống lại từ vựng sau mỗi bài. Riêng các bài trên blog của chị thì được tổng hợp và chuẩn hóa theo cách của chị rồi nên em đã quá ưng ý ❤ Chỉ là chính vì em tìm không thấy danh mục từ vựng cho từng trình độ trong tiếng Thổ nên em thắc mắc là ngày xưa chị học bên ấy, để ôn tập và nắm vững vốn từ của mình trước khi take exams do TÖMER tổ chức, chị đã hệ thống lại kiến thức như thế nào hay có một nguồn nào trên Internet có support về vấn đề này mà em chưa tìm ra không ạ?
    P.S: In case lỡ có ai đó khác ngoài chị đọc comment này không hiểu ý em :))) Em không cổ xúy cho việc học ngoại ngữ chỉ để đi thi lấy cái bằng. Tâm niệm của em vẫn là học để thành thạo 4 kỹ năng và sử dụng như một người bản xứ. Và em luôn hướng học trò của mình theo con đường này. Điều em muốn tìm câu trả lời là làm thế nào để chuẩn hóa vốn từ vựng ở trình độ hiện tại của bản thân mà không phải lượm lặt mỗi nơi một ít.
    Em lấy ví dụ về kỳ thi chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của trẻ em do Cambridge tổ chức như sau: ở mỗi mức độ khác nhau từ thấp lên cao (Pre-A1, A1, A2…) thì họ có soạn sẵn từng quyển sách về lượng từ vựng mà người học cần trang bị trước khi bước vào kỳ thi tương ứng. Chắc chắn là họ có quy định về con số cụ thể, nhưng em không quan tâm cái đó vì thực tế là cứ lên thêm một level thì họ sẽ tăng mức độ từ vựng khó hơn và nhiều hơn một chút. Và em thấy cách học từ vựng theo một cái book được hệ thống hóa của từng trình độ như vậy nó sẽ hiệu quả hơn hẳn là khi mình cứ lượm nhặt ở mỗi nguồn khác một ít. Hay ví dụ như kỳ thi Hán ngữ hiện nay từ HSK 1 đến HSK 6 cũng tương tự như vậy.

    Like

    1. Hitit là 1 bộ sách cực kỳ thiếu sót. Dù chị rất thích TÖMER vì giáo viên siêu dễ thương và nhiệt tình, nhưng riêng bộ sách của họ thì chị chưa bao giờ đánh giá cao hết. Chắc vì mục đích của họ là không muốn cho học sinh tự học mà phải tới trường nên sách họ cứ làm nửa vời như vậy.
      Về ngữ pháp, họ không có 1 mục nào giảng cho mình hiểu văn phạm này dùng vào những tình huống nào, hoặc có mấy cách sử dụng của văn phạm đó. Họ chỉ có duy nhất 1 tấm bảng liệt kê các hậu tố dùng trong phần ngữ pháp tương ứng,kèm thêm 1 ví dụ. Bảng đó thậm chí không được gọi là công thức nữa luôn vì nó cứ thập cẩm như nồi lẩu T_T.
      Tiếp theo, phần từ vựng đúng như em nói, không có 1 phần nào hệ thống lại kiến thức hết mà toàn bộ là mình phải tự nhặt nhạnh trong bài đọc, trong từng câu ở ví dụ, ở bài tập,…để tạo thành một hệ thống tự vựng của riêng mình.
      Học gì thì học, nếu không có bằng cấp trong tay thì tất cả những gì mình nói với người khác cũng không có ý nghĩa lắm (ví dụ như mình không thể nói với 1 trường đại học rằng tiếng Thổ của tôi rất tốt, hãy nhận tôi đi được, đúng không?) :D. Thành thạo 4 kỹ năng Nghe-nói-đọc-viết ngoài cuộc sống rất cần thiết, nhưng bằng cấp là quy chuẩn cho những kỹ năng đó. Như chị đã nói ở bài này, chị rất sợ đọc những bài trong sách học vì nó khô khan, không phải những gì chị thích. Nhưng vì học xong phải thi, do đó vẫn cần học thuộc những từ vựng có trong từng chủ đề học dù nó có khó nhằn thế nào. Vì thế chị đành phải viết tất cả những từ mới trong phần bài học, bài đọc và sách bài tập ra giấy và học thuộc chúng hic. Với mỗi động từ, chị tìm cả danh từ của nó, và với mỗi danh từ, chị tìm động từ cũng như tính từ liên quan. Vì không có từ điển Thổ-Việt nên chị đành tra từ điển Thổ-Anh, Anh-Thổ. C rất thích trang wordreference.com. Trang này khi mình tra 1 từ, nó liệt kê cho mình cả tính chất của từ đó cộng thêm gợi ý các từ mình có thể tra thêm ở bên tay trái (thường chính là những danh từ, tính từ, động từ liên quan của nó). Hồi ấy quyển sổ từ vựng của chị cực kỳ dày T_T. Thế mà khi vào bài thi, vẫn có những từ vựng mới toanh chị chưa từng gặp qua, chỉ còn trông chờ vào văn cảnh của câu để đoán thôi. Bí quyết duy nhất của chị lúc ấy chắc là chăm chỉ thôi hihi. Nhưng sự thật là, các từ vựng học được xong không dùng trong cuộc sống nhiều thì mình sẽ quên rất nhanh. Hiện giờ vốn từ vựng của chị không còn nhiều như trước mà chỉ loanh quanh vài ngàn từ phổ biến nhất, xấu hổ ghê =)).

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: