Nói về các trường dạy tiếng Thổ tại Thổ, cái tên được nhắc đến đầu tiên là TÖMER. Đây là trung tâm dạy tiếng Thổ rất uy tín của Đại học Ankara.
Tuy là trung tâm của đại học Ankara nhưng TÖMER lại có rất nhiều chi nhánh trường dạy ở các thành phố lớn, tập trung nhiều người nước ngoài như Istanbul, Ankara, Bursa, Izmir, Antalya,…
TÖMER dạy tổng cộng 5 trình độ: A1, A2, B1, B2, C1, được công nhận bởi chuẩn xếp hạng các chứng chỉ ngôn ngữ của châu Âu (CEFR)
Để học hoàn toàn từ không biết gì cho tới khi lấy được bằng C1, bạn cần khoảng 12 tháng để theo chương trình học toàn thời gian (mỗi ngày 4 tiếng, học từ thứ 2 tới thứ 6).
Hồi mình học, đó là năm 2012, TÖMER chia các cấp độ dạy học của họ như sau
- Temel (Cơ bản)
Temel 1, 2, 3, 4. Xong Temel 2, bạn có thể thi lấy bằng A1. Xong Temel 4, bạn có thể thi lấy bằng A2
- Orta (Trung bình)
Orta 1,2,3,4. Xong Orta 4, bạn có thể thi lấy bằng B1
- Yüksek (Nâng cao)
Yüksek 1,2 .Xong Yüksek 2, bạn có thể thi lấy bằng B2.
Yüksek 3,4. Xong Yüksek 4, bạn có thể thi lấy bằng C1
Thường mỗi cấp độ học trong 1 tháng.
Hiện tại không biết TÖMER đã thay đổi lại các cấp độ học chưa, mình cũng không nắm rõ chi tiết.
Trong các bài học ở blog này, mình soạn hoàn toàn theo chương trình ngày xưa mình từng học.
Trong cuốn Hitit 1 mà mình đang dựa vào đó để soạn bài học theo blog, có tất cả 12 bài. Học xong 12 bài trong quyển Hitit 1 này, bạn đủ khả năng lấy bằng A2. Cụ thể, chương trình được chia như sau
- Temel 1: Ba bài đầu
- Temel 2: Bài 4,5,6.
- Temel 3: Bài 7,8,9.
- Temel 4: Bài 10,11,12.
Chương trình của TÖMER mình thấy khá hay, nhưng chỉ “hay” khi dành cho những bạn có thời gian và điều kiện tới tận trường để học.
Còn với những bạn học tại nhà, dù có trong tay đủ bộ sách của họ, mình tin chắc bạn cũng không tài nào hiểu được họ đang dạy cái gì. Đó là vì các văn phạm ngữ pháp chỉ được giảng dạy khi ở trên trường bằng giáo viên hướng dẫn, còn trên sách họ chỉ ghi một cách chung chung các công thức mà đọc qua thật sự rất loạn với người chưa biết gì. Trên sách cũng không hề ghi rõ cách dùng của các văn phạm ngữ pháp, điều này khiến bộ sách Hitit vô giá trị khi người nước ngoài cố tự học.
Đây là một ví dụ cho công thức tạo nên sở hữu cách và danh từ ghép mà sách viết (bài III – phần 2 như trong blog của mình).

Kết quả thi xếp lớp ở TÖMER của mình (vì mình đã biết chút chút trước khi học TÖMER) là lớp Orta 1. Khi ấy mình rất hí hửng mua sách Hitit 1 (trình độ A2) về xem để bổ sung thêm các văn phạm ngữ pháp mình không biết. Thật sự vỡ mộng vì rất khó khăn để mình hiểu 1 số thứ trong sách. Mãi tới khi học lên Yüksek, được nhắc lại khá nhiều trình độ Temel, mình mới có cơ hội hỏi giáo viên kỹ những chỗ mình còn hoang mang.
Do vậy, khi viết blog này, mình đã cố gắng giải thích một cách chi tiết nhất, theo đúng tư duy của người Việt (trong khả năng của mình), để có thể giúp những bạn có nhu cầu học mà không biết bắt đầu từ đâu, hay không biết phải học như thế nào.
Tất nhiên blog còn rất nhiều thiếu sót, mình luôn mong muốn nhận được góp ý của tất cả mọi người để cải thiện nó. Chúc các bạn có thời gian vui vẻ ở đây và đừng bỏ cuộc nhé!