Hôm nay chúng ta sẽ học sang 1 phần văn phạm ngữ pháp mới.
Thực ra trong các ngôn ngữ quen thuộc khác với chúng ta (tiếng Anh, tiếng Việt,..) cũng có phần văn phạm này, tuy nhiên các ngôn ngữ đó không ghép trực tiếp hậu tố vào từ trước nó như tiếng Thổ nên khi tiếp xúc với tiếng Thổ, các bạn sẽ hơi bỡ ngỡ một chút, nhưng rồi sẽ quen nhanh lắm.
Thử 1 câu quen thuộc (có lẽ) ai cũng từng nghe qua nhé
Seni seviyorum
Anh yêu em
Ở đây có lẽ các bạn đã hiểu seviyorum là thì hiện tại tiếp diễn của động từ sevmek.
Vậy tại sao từ trước nó lại là “seni” mà không phải là “sen”?
Có thể giải thích nôm na, câu nói “anh yêu em” thì “anh” là chủ ngữ, “yêu” là động từ, “em” là tân ngữ (vị ngữ).
Trong tiếng Việt, chúng ta có thể phân biệt được “em” là vị ngữ, “anh” là chủ ngữ trong câu nói này do sự sắp xếp thứ tự của từng từ lần lượt như sau:
Anh -> yêu -> em
Nhưng tiếng Thổ không sắp xếp từ như vậy. Do vậy, trong câu này, để chỉ “em” là vị ngữ, họ phải thêm hậu tố vào sau nó để phân biệt.
Sen -> Seni
Đó là cách giải thích nôm na nhất để các bạn hình dung ra phần văn phạm này. Giờ chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu thêm cách sử dụng để có thể hiểu rõ hơn nhé.
Cách sử dụng
Hậu tố xác định trực tiếp (hay còn gọi là hậu tố đối cách) được sử dụng khi trong câu có động từ tác động ý nghĩa trực tiếp cho tân ngữ của nó.
Nói như này có vẻ hơi khó hiểu nhỉ?
Vậy mình sẽ lấy 2 ví dụ như sau về 2 loại hậu tố khác nhau để phân biệt nhé
Seni seviyorum -> Trong câu này, động từ “Sevmek” có tác động ý nghĩa trực tiếp lên “Sen”(yêu ai? Yêu em) -> Giữa Sevmek và Sen không cần thêm bất cứ từ gì bổ trợ cho nó
-> Sen sẽ biến thành Seni (sử dụng hậu tố đối cách)
Sana veriyorum
Tôi đưa cho em
Trong câu này, động từ “Vermek”(đưa) không có tác động ý nghĩa trực tiếp lên “sen” vì giữa Vermek (Đưa) và “Sen” (em) còn có từ “cho” để bổ trợ cho động từ “đưa”.
Do vậy “sen” sẽ biến thành sana (cho em, hay tiếng Anh là to you). (Do đó, câu này không sử dụng hậu tố đối cách mà sử dụng hậu tố khác (biến sen thành sana), hậu tố này là gì thì chúng ta sẽ học ở những bài sau. Ở đây mình chỉ nêu lên ví dụ để các bạn hiểu hơn tại sao có câu lại sử dụng hậu tố đối cách cho danh từ, có câu lại sử dụng những hậu tố khác)
Có 2 điều kiện cần có để sử dụng hậu tố đối cách (phải thỏa mãn 2 điều kiện này)
Điều kiện 1: Động từ phải có tác động ý nghĩa trực tiếp lên tân ngữ của nó (như mình nói ở trên).
Điều kiện 2: Tân ngữ trong câu thuộc vào 1 trong các trường hợp sau:
- Trường hợp 1:
Được thêm vào sau 1 danh từ mà người nghe lẫn người nói đều biết về danh từ đó
- Bütün gece film seyrettim Tôi xem phim cả đêm
- Bütün gece filmi seyrettim Tôi xem phim đó cả đêm
Ở câu đầu tiên, người nghe không biết người nói đang nói về bộ phim nào, do vậy chúng ta không cần thêm hậu tố đối cách “i” vào sau từ “film” do người nói đang nói chung chung về 1 phim nào đó mà họ xem cả đêm
Ở câu thứ 2, người nghe và người nói đều biết người nói đang nói về bộ phim nào, do vậy chúng ta phải thêm hậu tố đối cách “i” thành “filmi” để chỉ 1 bộ phim đã được xác định. (Do vậy mình mới dịch ra tiếng Việt là “phim đó” – tức là 1 bộ phim mà cả 2 người đều biết)
Tuy nhiên, với danh từ chỉ quốc tịch, chúng ta sẽ không thêm hậu tố đối cách vào sau nó
Bu kursta Türk göremezsiniz
Các bạn sẽ không thấy người Thổ ở khóa học này đâu
Vì Türk là danh từ chỉ quốc tịch nên sẽ không thêm hậu tố vào sau nó.
- Trường hợp 2:
Được thêm vào sau tên riêng
Murat Ayşe’yi tanıyor
Murat quen Ayşe
Chúng ta phải thêm hậu tố đối cách vào sau từ Ayşe để thành Ayşe’yi vì đây là tên riêng. Chú ý, ở sau tên riêng, các bạn phải để thêm dấu ’ vào trước khi thêm bất kỳ hậu tố nào nhé.
- Trường hợp 3:
Sau các danh từ ghép và danh từ chỉ sự sở hữu thì phải thêm hậu tố đối cách
öğretmen, arkadaşımı görmedi
Giáo viên không nhìn thấy bạn tôi
Ở đây từ arkadaşım là 1 danh từ chỉ sự sở hữu (bạn của tôi), do đó phải thêm hậu tố đối cách để thành arkadaşımı.
Hulya markana salatasını çok iyi yapar
Huyla làm món salat mì rất ngon
Ở đây markana salatası là 1 danh từ ghép nên chúng ta phải thêm hậu tố đối cách vào sau nó -> markana salatasını
- Trường hợp 4:
Danh từ sau các từ chỉ sự xác định như bu, şu, o, hangi, bazı (một vài), dünkü (cái ở hôm qua) , … thì phải thêm hậu tố đối cách
Bu kitabı okudum
Tôi đã đọc quyển sách này
Hangi yemekleri seviyorsun?
Bạn thích những món ăn nào?
Sınavda, bazı soruları hiç anlamıyorum
Trong bài kiểm tra, có vài câu hỏi tôi chẳng hiểu gì luôn
- Trường hợp 5:
Ở vị ngữ, giữa danh từ và động từ có 1 từ nào đó thì cũng phải thêm hậu tố đối cách vào danh từ đó.
Gazeteyi marketten aldım
Tôi đã mua quyển tạp chí từ siêu thị
Ở giữa động từ Aldım và Gazete có từ marketten (từ siêu thị), do vậy phải thêm hậu tố đối cách vào sau từ Gazete để thành Gazeteyi
- Trường hợp 6:
Nếu vị ngữ là đại từ nhân xưng hoặc từ để hỏi thì phải thêm hậu tố đối cách cho đại từ đó
Siz kimi tanıyorsunuz?
Các bạn quen ai?
O nereyi arıyor?
Anh ta đang tìm ở đâu?
Onu bekliyorum
Tôi đang chờ anh ấy
- Trường hợp 7
Nếu vị ngữ là danh từ số nhiều (đã xác định hay chưa xác định) thì đều phải thêm hậu tố đối cách cho danh từ đó
Kitapları seviyorum
Tôi yêu những quyển sách
Ở đây không cần biết người nghe có biết là người nói đang nói những quyển sách nào, chỉ cần kitaplar là số nhiều, do vậy kitaplar -> kitapları
7 trường hợp sử dụng trên, các bạn khi đã dùng quen thuộc thì thậm chí không cần nhớ mà tự nó sẽ đi vào đầu các bạn khi sử dụng tiếng Thổ, nên đừng lo lắng nếu lúc đầu bạn thấy quá khó nhớ nhé.
Có lẽ cái mà bạn thấy khó nhất ở đây là điều kiện 1 đúng không (Động từ phải có tác động ý nghĩa trực tiếp lên tân ngữ của nó)? Làm cách nào để khi đặt câu, chúng ta biết động từ này là động từ có tác động ý nghĩa trực tiếp lên tân ngữ hay không? Cách đơn giản nhất và cũng đúng nhiều nhất (tới 70% số từ), đó là các bạn dịch trực tiếp từ tiếng Anh hoặc tiếng Việt qua.
Ví dụ:
Tôi yêu trường học của tôi.
Trong câu này:
Động từ là “yêu”
Tân ngữ là “trường học của tôi”.
Giữa động từ yêu và tân ngữ “trường học của tôi”, chúng ta không cần thêm gì trong tiếng Việt -> động từ yêu này tác động trực tiếp lên tân ngữ trường học của tôi
Dịch ra tiếng Thổ:
Tôi yêu: seviyorum
Trường học của tôi: okulum
Tôi yêu trường học của tôi -> Okulumu seviyorum
Tôi đi tới trường học của tôi
Trong câu này:
Động từ là “đi”
Tân ngữ là “trường học của tôi”
Giữa đi và trường học của tôi, chúng ta phải thêm từ “tới” thì câu mới có ý nghĩa (không ai nói là tôi đi trường học của tôi) -> động từ đi không tác động trực tiếp lên tân ngữ trường học của tôi
Do vậy chúng ta không sử dụng hậu tố đối cách cho tân ngữ trường học của tôi. Okulumu gidiyorum là sai.
(Đúng phải là: Okuluma gidiyorum. Đây là 1 hậu tố khác chúng ta sẽ học ở những bài sau.)
Cũng tương tự cho các động từ khác, các bạn cứ đặt 1 câu bằng tiếng Việt trước, sau đó tự tư duy và suy đoán để dịch nó ra tiếng Thổ, tỷ lệ đúng sẽ lên tới 70%. Còn để đúng 100% thì chẳng có cách nào khác là đọc và thực hành thật nhiều, khi đó khi sử dụng 1 động từ, bạn sẽ biết ngay động từ đó thuộc loại động từ nào, phải thêm hậu tố gì cho tân ngữ trước nó.
Cách thêm hậu tố đối cách
Chúng ta thêm hậu tố đối cách vào sau danh từ bằng cách thêm i/ı/u/ü và hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật nguyên âm cuối cùng của danh từ đó.
- Nếu danh từ có nguyên âm cuối cùng là e, i, chúng ta thêm i,
- Nếu danh từ có nguyên âm cuối cùng là a, ı, chúng ta thêm ı
- Nếu danh từ có nguyên âm cuối cùng là o, u, chúng ta thêm u
- Nếu danh từ có nguyên âm cuối cùng là ö, ü, chúng ta thêm ü
- Nếu danh từ kết thúc bằng nguyên âm, chúng ta thêm “y” trước khi thêm i/ı/u/ü
O arabayı bekliyorum
Tôi đang đợi cái ô tô đó
- Nếu danh từ có sở hữu cách kết thúc bằng nguyên âm, chúng ta thêm “n” trước khi thêm i/ı/u/ü
Babasını özlüyor
Nó nhớ bố
Mở rộng
Với đại từ nhân xưng, chúng ta sẽ biến đổi thành như sau
- Ben -> Beni
- Sen -> Seni
- O -> Onu
- Biz -> Bizi
- Siz -> Sizi
- Onlar – > Onları
Bizi gördünüz mü?
Các bạn có thấy chúng tôi không?
Beni sevmiyor musun?
Anh không yêu em sao?
Seni özledim
Em nhớ anh
Bài tập
Chọn từ đúng
- Şu tuzluk/tuzluğu bana uzatır mısın?
- Dün yeni bir bluz/bluzu aldım
- Dünkü film/filmi seyrettin mi? Sonunda ne oldu?
- Hangi diller/dilleri biliyorsun?
- Her akşam yatmadan önce birkaç sayfa kitap/kitabı okuyorum
- Sen/Seni çok aradım. Neredeydin?
- Maç/Maçı evde izliyoruz
- Kapıcı saat 20:30’da çöpler/çöpleri topluyor
- Dün akşam konserde liseden bir arkadaşım/ arkadaşımı gördüm
- Kazağın/kazağını annen mi ördü?
- Hafta sonu hiç evden çıkmadım, film/filmi izledim
- Şimdi son konuşmacımız, Mehmet/ Mehmet’i dinliyoruz
- Babam bahçenin kapısı/ bahçenin kapısını boyuyor.
Selam ablacım!
Em có câu hỏi liên quan đến bài trước về so sánh nhất, nhưng cái em sẽ hỏi là thuộc về bài này. Hmm, şey… khi hỏi là “Quyển sách nào nhiều màu sắc nhất ở đây?” (Hangisi buradaki en renkli kitapdır?) thì em hiểu là cần thêm hậu tố đối cách vào từ để hỏi “Hangi(-si)”. Nhưng khi hỏi “Ai là người gầy nhất trong lớp?” (Kim sınıftaki en zayıf öğrencidir?) thì tại sao lại không thêm hậu tố đối cách vào từ “Kim”?
Kolay gelsin abla!
LikeLike
Selam em gái!
“hangisi” không phải là từ “hangi” được thêm hậu tố đối cách đâu em. Hậu tố đối cách là các đuôi “(n)I/(y)I” chứ không phải SI. SI nó thuộc về văn phạm ngữ pháp liên quan tới sở hữu cách/danh từ ghép.
Tại sao lại thêm “si” vào sau “Hangi”, vì mình đang đề cập tới “quyển sách” – 1 vật thể nào đó. “Hangi” chính là “Which”, còn “hangisi” giống như “Which one” vậy. Nếu em chỉ dùng “Hangi” thay vì “hangisi”, em phải thêm vào sau ngay nó vật thể em muốn hỏi, ví dụ “hangi kitap…”. Còn không thêm gì vào sau “Kim” cũng giống như chúng ta không cần thêm cái gì xác định vào sau “Who” vậy.
LikeLiked by 1 person