Ở Thổ, từ xưa tới nay có 1 văn hóa rất quan trọng, đó là “Đi hỏi vợ”. – Kız isteme
Đi hỏi vợ là gì? Có thể hiểu nôm na là “Dạm ngõ” như ở Việt Nam vậy.
Thổ Nhĩ Kỳ thời xưa cũ, với vấn đề hôn nhân của con cái khá giống thời phong kiến Việt Nam, đó là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Bố mẹ sẽ là người quyết định xem con mình sẽ lấy ai.
Khi một gia đình “chấm” cô gái nào đó, bố mẹ chàng trai sẽ đem sính lễ tới nhà cô gái để hỏi cưới. Nếu bố mẹ cô gái đồng ý thì coi như cô gái đã được gả cho chàng trai đó. Nhiều trường hợp cô gái còn chưa từng thấy mặt chàng trai, hoặc quen biết chỉ sơ sơ mà thôi nhưng bố mẹ đã đồng ý thì coi như bắt buộc phải lấy chàng trai đó.
Tất nhiên đó là ngày xưa. Hiện tại dù truyền thống “đi hỏi vợ” này vẫn được tiếp tục tại Thổ, nhưng thường người con trai và người con gái đã yêu nhau rồi và cùng nghiêm túc hướng tới hôn nhân thì gia đình nhà trai mới tới nhà gái để xin cưới, coi như đặt nền móng bước đầu cho mối quan hệ của 2 nhà.
Tuy nhiên, ở các thành phố nhỏ, nặng về truyền thống, một vài gia đình vẫn tiếp tục tự sắp đặt hôn nhân của con cái mình. Nếu ưng cô gái nào đó trong vùng thì họ sẽ tới nhà đó, gõ cửa và xin phép được hỏi cưới.
Một vài cô gái Thổ mình quen đã há hốc mồm và cực kỳ bực bội khi nghe được tin gia đình của 1 chàng trai nào đó sẽ tới xin hỏi cưới mình, dù trước đó họ còn chẳng nói chuyện với chàng trai đó lấy 1 lần. Tất nhiên gia đình các cô gái hiện tại gần như hoàn toàn tôn trọng quyết định của con gái mình. Nếu con gái không chịu thì không bao giờ họ đồng ý gả cưới.
Vậy khi “đi hỏi vợ”, nhà chàng trai cần mang những gì?
Hoa và Chocolate là không thể thiếu!
Thường hoa lan và hoa hồng là những loài hoa được lựa chọn nhiều nhất cho dịp này. Nhưng loại hoa là gì không quan trọng bằng độ rực rỡ của cả bó hoa.
Còn về Chocolate, hương vị bắt buộc phải ngon là không bàn, tuy nhiên cách trang trí Chocolate cũng được nhà gái đặc biệt để ý nên nhà trai phải chú ý hết sức khi chọn mua, không thể xuề xòa. Và đồ sính lễ nên được bày trên những khay bạc kiểu cách vua chúa ngày xưa để tăng thêm phần sang trọng.
Nhà trai khi sang nhà gái “hỏi vợ”, họ thường sẽ đi đông để không khí thêm đầm ấm.

Còn nhà gái, họ sẽ làm gì?
Trong lúc gia đình nhà gái nói chuyện với gia đình nhà trai, cô gái cùng bạn bè sẽ ở dưới bếp, pha café để bưng lên mời khách. Cách cô gái pha café khá quan trọng vì nhà trai sẽ dựa vào đây để đánh giá con dâu tương lai. Nếu café nhiều bọt và có vị ngon, chúc mừng, bạn đã được điểm “đảm đang” trong mắt nhà chồng tương lai. Tuy nhiên, với ly café của chồng tương lai, cô gái sẽ pha thêm 1 chút muối mặn để mang lại vị khó uống. Chàng trai cần uống cạn ly café để vượt qua thử thách chứng minh tình yêu của mình với cô gái.
Càng ngày các cô dâu càng tinh quái. Họ muốn thử thách chú rể tương lai của mình thật nhiều nên có những cô cho muối 1 cách quá tay khiến chú rể tương lai cực kỳ khó khăn mới uống hết được nó, hoặc thậm chí bị ngất! Năm 2014 đã từng xảy ra 1 trường hợp, 1 cô gái cho cả phô mai, cà chua, mật ong, mứt, bơ vào trong café của chàng trai tới hỏi cưới mình, khiến chàng trai uống xong đã ngộ độc và qua đời.

Sau khi uống café, uống trà, thưởng thức bánh ngọt, nhà trai sẽ có đôi lời với nhà gái về việc xin phép cho đôi trẻ được kết hôn với nhau. Nhà gái sau đó sẽ trả lời là có đồng ý hay không trước khi kết thúc bữa tiệc.
Nếu nhà gái đã đồng ý thì cô gái coi như đã đứa hứa hôn với chàng trai, chỉ còn đợi ngày làm lễ đính hôn và chuẩn bị cho lễ cưới.
Verdiler mi?? (họ đã đồng ý gả con gái chưa vậy?)
Verdiler! (Đồng ý rồi!)
(Ở văn cảnh này họ dùng động từ Vermek đưa, cho chứ không dùng từ Kabul etmek đồng ý. Có thể hiểu là “đã đưa đứa con gái của mình cho người ta rồi”, giờ thành con dâu của người ta, vợ của người ta chứ không chỉ còn là con gái của mình nữa)