Tiếng Thổ sẽ hơi khó nghe với những bạn mới làm quen nó. Đặc biệt, người Thổ có người nói rất nhanh và khó nghe, có người nói chậm và dễ nghe, do vậy có thể bạn sẽ hiểu người này nói nhưng lại không hiểu người khác nói dù cho họ cùng nói 1 câu.
Để nâng cao kỹ năng nghe tiếng Thổ, theo mình bí quyết chỉ có 4 chữ thôi: Nghe nó hàng ngày.
Vậy nên nghe nó như thế nào nếu bạn đang không sống trong môi trường nhiều người Thổ?
Chúng ta hãy tự tạo ra môi trường của mình.
Thứ 1. Nghe nhạc Thổ
Ngày trước khi còn học tiếng Thổ, mình hay nghe nhạc Thổ khi đi tàu điện ngầm, khi nấu ăn, khi chơi game. Lúc ấy đầu óc mình không quá chú tâm vào bài hát, chỉ nghe giai điệu thôi. Khi nghe nhiều thì mình tự động thuộc luôn lời bài hát, khi ấy mới nhẩm ra nhiều văn phạm ngữ pháp quen thuộc.
Tất nhiên, mình chọn những bài hát mình thật sự thích chứ không phải bài nào mình cũng nghe, vì như mình đã từng viết, nhạc Thổ không phải loại nhạc yêu thích của mình. Do vậy quá trình chọn nhạc cũng khá nan giải, nhưng rồi mình cũng tìm được kha khá bài hợp gu. Bạn hãy thử lên youtube gõ bài hát Thổ nào đó bạn từng thích, sau đó những bài hát tương tự sẽ được AI của youtube gợi ý. Bạn cứ nghe thử và lưu những bài hát ưng ý vào nhé.
Thứ 2. Xem phim Thổ
Dizi Thổ (phim dài tập) làm mình khá ngán vì quá dài (hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tập, mỗi tập 2-2.5 tiếng), do vậy mình không thật sự theo dõi trọn vẹn 1 phim nào. Tuy nhiên mình phải khẳng định: xem dizi là cách tốt nhất để học tiếng cũng như học văn hóa Thổ. Trên dizi, đời sống thường nhật của người Thổ hiện lên rất cụ thể, rõ ràng và chân thực. Những phản ứng, câu nói trong phim cũng đều rất gần gũi, chúng ta có thể nghe nó hàng ngày trong cuộc sống ở Thổ.
Mình nghĩ, nếu bạn có ý định chọn dizi Thổ để theo dõi, hãy chọn những phim mới, đừng xem những phim quá cũ. Phim mới có cảnh quay nét hơn, đẹp hơn, update những xu hướng mới hơn trong hội thoại. Không nên chọn phim cổ trang, vì có quá nhiều từ cũ không còn dùng trong đời sống hiện đại nữa.
Và cũng không nên xem phim nước ngoài được lồng tiếng Thổ nhé. Vì diễn viên lồng tiếng chỉ có 3-4 người thôi, bạn sẽ nghe đi nghe lại 1 giọng suốt, đồng thời giọng lồng tiếng “không hề giả trân” =))), cũng chẳng liên quan gì tới văn hóa Thổ hay những phản ứng thường nhật của người Thổ đâu.
Nếu xem phim để học tiếng, chúng ta chỉ nên xem phim chiếu rạp Thổ hoặc dizi Thổ mà thôi.
Đừng xem phim Thổ với phụ đề nhé. Nếu là phim Thổ với phụ đề tiếng Thổ thì rất nên nhưng nếu phụ đề là tiếng Anh hay tiếng Việt thì đừng, đừng, đừng và đừng! Bạn sẽ trở nên lười biếng mà chỉ tập trung đọc sub, không tập trung xem phim cũng như nghe đoạn hội thoại nữa đâu. Khi không có subtitle, bạn sẽ bắt buộc phải tập trung hết mức vào những gì các nhân vật đang nói để hiểu được ngữ cảnh, đó chính là mục đích của việc xem phim để học tiếng. Có thể sẽ khó khăn vào lúc đầu, nhưng tin mình đi, càng ngày bạn sẽ càng thấy dễ hiểu vô cùng.
Mình dù không thích dizi Thổ lắm, nhưng mình có theo dõi 1 vài phim theo chiều hướng hiện đại, trẻ trung khá hay và mới mẻ. Mình rất ghét phim nào có nhiều drama (mà drama là đặc sản của phim Thổ lẫn người Thổ LOL), nên mình chọn những phim hài hước, nhẹ nhàng, những phim khiến đầu óc mình không cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng.
Một ví dụ nhé, Erkenci Kuş – một dizi về tình yêu. Dizi này cũng có drama nhưng nó không nặng nề, những đoạn khiến người ta bực tức nhất cũng được lồng ghép những chi tiết gây cười nên đầu óc mình cảm thấy vô cùng thoải mái khi xem. Thoải mái nhất là khi quay tới anh diễn viên chính cực kỳ mlem mlem =)))

Thứ 3. Xem những chương trình TVshow của Thổ
Một số gameshow của Thổ rất vui nhộn, mình đặc biệt thích Ben bilmem Eşim bilir. Gameshow này là cuộc đua giữa các cặp vợ chồng. Mỗi vợ chồng là 1 team. Đầu tiên là cuộc đua giữa các bà vợ, rồi tới cuộc đua giữa các ông chồng, và cuối cùng là màn kết hợp. Những thử thách chương trình đặt ra rất vui và gay cấn. Cặp vợ chồng thắng cuộc sẽ nhận được 1 chiếc ô tô nên cạnh tranh nhau khá quyết liệt. Ngày trước mình xem gameshow này hàng tuần không chán. Gameshow này rất phù hơp với những bạn mới học tiếng Thổ vì các đoạn hội thoại rất ngắn, các bạn sẽ học thêm được nhiều từ lóng, nhiều biểu cảm mới của người Thổ
Khi trình độ cao hơn, bạn có thể nghe talkshow Konuşanlar – một talkshow kể chuyện vui. Host cùng khán giả sẽ kể những câu chuyện vui mà có thật mình gặp trong đời, rồi cùng nhau bàn luận về các câu chuyện đó. Talkshow này phù hợp với những bạn có trình độ tiếng Thổ đã khá rồi vì những người tham gia talkshow này kể chuyện rất nhanh, lại hay dùng những câu nói “chỉ người Thổ nghe mới thấy buồn cười”. Thời gian đầu khi mới xem, có nhiều đoạn mình không hiểu tại sao mọi người trong trường quay lại cười rộ lên trong khi mình chả thấy có gì buồn cười cả LOL.
Thứ 4. Nghe podcast trước khi đi ngủ
Não bộ của chúng ta rất kỳ quặc, thường trước khi đi ngủ chúng ta làm gì hay nghĩ gì, chúng ta rất dễ dàng thấy lại những điều đó trong giấc mơ của mình. Vậy tại sao không tận dụng điều này để nâng cao trình độ tiếng Thổ nhỉ?
Bạn có thể chọn 1 kênh podcast tiếng Thổ để nghe, và nên nghe trước khi đi ngủ.
Giờ mình hay nghe podcast lúc lái xe, nhưng đó là vì hiện tại mình đã quen với việc nghe tiếng Thổ. Còn khi mới học tiếng Thổ, thật sự nghe tiếng Thổ làm mình rất buồn ngủ vì không hiểu mấy LOL. Do vậy mình nghe nó trước khi đi ngủ luôn, vừa dễ ngủ lại vừa đúng lúc mình không bận bịu suy nghĩ hay làm việc gì khác, mình có thể chỉ tập trung nghe tiếng Thổ…cho dễ ngủ mà thôi =)).
Thật sự cách này khá hiệu quả, dù mình chỉ nghe tầm 20p là bắt đầu ngáy khò khò rồi, nhưng không biết từ lúc nào, những thứ mình nghe được ở podcast trước khi đi ngủ lại dần dần in sâu vào đầu óc mình, thậm chí tới hôm sau tỉnh dậy mình vẫn nhớ được tối qua mình đã nghe những gì. Tất nhiên thời gian đầu mình nghe chỉ hiểu được 50-60% thôi, nhưng dần dần mọi câu nói đều trở nên dễ dàng để nghe hiểu. Thậm chí có những từ mình chưa từng nghe qua, bằng cảm nhận mình cũng có thể đoán được nghĩa của nó ngay lập tức. Khi tra những từ đó trên từ điển, hầu như mình đều đoán đúng nghĩa của từ.
Phía trên là 4 cách mình đã dùng để nâng cao trình độ nghe tiếng Thổ. Tất nhiên với mỗi người, các cách tiếp cận ngôn ngữ khác nhau sẽ có hiệu quả khác nhau, nhưng mình tin là có 1 cách áp dụng cho ai cũng được và sẽ đều có kết quả khả quan như nhau: đó là cách “vượt lười” LOL.
Thử chịu khó mỗi ngày bỏ ra 1 tiếng luyện nghe tiếng Thổ, bạn sẽ bất ngờ với trình độ của mình sau 2 tháng đấy.
Chúc các bạn luyện nghe vui vẻ!
Không biết chị lập blog này lâu chưa, nhưng em thấy blog này quá hay và bổ ích. Erkenci Kuş em mới coi đài VTV2 với cả nhà em là bản thuyết mình, là bộ duy nhất em chịu khó ngồi với nhà em để cùng coi trong suốt 2 năm ĐH vừa qua. Mà tự nhiên chị nói không xem cổ trang buồn ghê, vì em thích Thổ Nhĩ Kì từ bộ Muhtesem Yuzyil, em kiểu chìm đắm thực sự trong phim này tận 6 năm lận, ngày nào cũng phải xem lại 1 phân cảnh nào đó của phim.
LikeLike
Ui chào em!
Chị rất vui vì em thấy blog này hữu ích cho mình!
Blog học tiếng Thổ này chị lập cũng 1 năm rưỡi rồi và vẫn có kế hoạch duy trì cho tới khi nào nó không còn hữu ích cho ai nữa thì thôi hì hì.
Về phần phim cổ trang, thực ra lời khuyên của chị là không nên xem để luyện nghe tiếng Thổ thôi vì nó có quá nhiều từ cổ, hiện tại không còn áp dụng trong đời sống nữa. Nhưng nếu em xem để hiểu về lịch sử của Thổ và của đế chế Ottoman thì quá nên xem ấy chứ! Phim cổ trang của Thổ được đầu tư lắm, nhất là quần áo, phối cảnh và diễn viên, đẹp tuyệt vời luôn.
Chia sẻ một chút với em hihi, chị là người dịch phim Muhtesem Yuzyil. Từ năm 2013 khi các đài truyền hình VN bắt đầu rục rịch mua phim này về để chiếu, họ có liên hệ với chị để dịch phim. Đó là quãng thời gian khá kinh khủng vì phim này sử dụng hầu hết vốn từ rất cổ, chị cứ vừa dịch lại phải vừa dừng lại để tra nghĩa cho chuẩn. Rất may mắn là mọi người đều yêu thích phim chứ không ai chê dịch kỳ quặc quá hahaha.
Nếu em yêu thích văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, em có thể vào blog khác của chị, blog chuyên chia sẻ về văn hóa của Thổ, cũng như hướng dẫn các thủ tục hành chính tại Thổ cho người Việt Nam. Địa chỉ blog là: gununcayi.com
Chúc em có ngày mới thật vui nhé!
LikeLike