Tiêu đề bài này có vẻ quen quen. Đúng vậy, chúng ta đã từng học “Khi mà” ở bài 15- Phần 3.
Ở bài đó, chúng ta đã học cách thêm hậu tố “-ken” vào sau động từ để tạo thành ý nghĩa “khi mà…”
Còn bài này, cũng là 1 dạng biến đổi động từ để tạo thành “khi ai làm gì đó”, nhưng nó khác so với –ken. Chúng ta sẽ học cách phân biệt 2 văn phạm này ở cuối bài.
Văn phạm ngữ pháp này thuộc về phần các văn phạm Ulaçlar trong tiếng Thổ (có thể dịch tạm là “động từ tiến hành cách”, hay nói cách khác là “động danh từ” – tức là các danh từ được tạo ra từ động từ).
Như mình đã nói trước kia, tiếng Thổ không có một tên riêng cho các văn phạm của nó mà thường dựa vào công thức tạo nên văn phạm để gọi tên văn phạm đó. Ví dụ, bài hôm nay, tên chính thức của nó là “-DIk/-(y)EcEk + iyelik + -(n)dE, -DIk/-(y)EcEk + iyelik zaman”, LOL LOL LOL. Thật sự ai mới học mà đọc tên văn phạm này chắc tẩu hỏa nhập ma luôn!
Hồi còn đi học tiếng Thổ, lớp mình khi hỏi nhau về một văn phạm nào đó, bọn mình hay tự đặt tên cho văn phạm đó thay vì đọc cái mớ công thức kia ra (giống như tới tận bây giờ là bài 21, mỗi văn phạm mình đều đặt tên riêng cho nó để dễ hiểu. Chứ nếu mình viết nguyên cái tên bài: Bài 21 – Phần 1: -DIk/-(y)EcEk + iyelik + -(n)dE, -DIk/-(y)EcEk + iyelik zaman, mình dám cá không còn ai muốn bấm vào đọc nữa luôn hahaha).
CÔNG THỨC
Trước hết chúng ta sẽ đi vào công thức thành lập câu mang nghĩa “khi ai làm gì đó” nhé.
Với tất cả các thì (ngoại trừ động từ chia theo thì tương lai)
Gốc động từ + diği/ dığı/ duğu/ düğü/ + hậu tố chỉ ngôi + de/da/zaman
Riêng ngôi Onlar:
Gốc động từ + dik/ dık/ duk/ dük + leri/ları + de/da/zaman
Chú ý:
- Với de/da thì viết liền vào sau hậu tố chỉ ngôi.
- Với zaman, chúng ta viết tách riêng từ zaman chứ không viết liền vào sau hậu tố chỉ ngôi
Gelmek -> Geldiği
- Geldiğimde / Geldiğim zaman
- Geldiğinde/ Geldiğin zaman
- Geldiğinde/ Geldiği zaman
- Geldiğimizde/ Geldiğimiz zaman
- Geldiğinizde/ Geldiğiniz zaman
- Geldiklerinde/ Geldikleri zaman
Với động từ chia thì tương lai
Động từ chia thì tương lai theo các ngôi + de/da/zaman
- Geleceğimde/ Geleceğim zaman
- Geleceğinde/ Geleceğin zaman
- Geleceğinde/ Geleceği zaman
- Geleceğimizde/ Geleceğimiz zaman
- Geleceğinizde/ Geleceğiniz zaman
- Geleceklerinde/ Gelecekleri zaman
CÁCH DÙNG
- Chú ý 1:
Hành động của động từ được biến đổi xảy ra đồng thời với hành động/sự việc chính trong câu, và làm nền cho hành động/sự việc chính đó
İlk bahar geldiğinde çiçekler açar
İlk bahar geldiği zaman çiçekler açar
Khi mùa xuân về, trăm hoa đua nở
Động từ được biến đổi ở ví dụ trên là gelmek (geldiğinde/ geldiği zaman), hành động này diễn ra đồng thời với sự việc chính trong câu çiçekler açar hoa nở, hay nói đúng hơn, nó làm nền cho sự việc đó.
Dün gece yattığımda saat dört olmuştu
Đêm qua khi tao đi ngủ là đã bốn giờ sáng rồi
Động từ được biến đổi là yatmak. Hành động này diễn ra đồng thời với sự việc chính: saat 4 olmuştu, và nó làm nền cho sự việc đó (mục đích để nhấn mạnh việc người nói đi ngủ RẤT MUỘN (4h sáng), chứ không phải nhấn mạnh việc “người nói đi ngủ”)
- Chú ý 2:
Dù là miêu tả các hành động/sự việc xảy ra cùng 1 lúc, nhưng khi biến đổi động từ ở thì tương lai, động từ được biến đổi lại mang ý nghĩa là xảy ra trước hoặc sau động từ/sự việc chính của câu.
Derse gelemeyeceğiniz zaman mutlaka önceden haber verin
Khi các trò không tới lớp học được thì các trò bắt buộc phải báo trước đấy!
Động từ được biến đổi là gelmek. Động từ chính: haber vermek. Theo ngữ cảnh của câu, học sinh phải báo trước khi họ có ý định nghỉ. Do vậy, hành động báo trước và hành động không đến lớp không diễn ra đồng thời. (Không phải khi đã nghỉ mới báo, mà là khi quyết định nghỉ – tức là chưa nghỉ – thì phải báo. Đó là lý do dùng thì tương lai cho động từ gelmek, vì hành động này chưa diễn ra)
- Chú ý 3:
Trong trường hợp, hành động bị biến đổi là số ít (có thêm các từ bổ sung như “lần đầu tiên”, “lần cuối cùng”,..), chúng ta sẽ chỉ dùng de/da, chứ không dùng zaman
Buraya ilk geldiğimde her şey çok farklıydı
Khi tôi tới đây lần đầu tiên, mọi thứ đã rất khác
Hành động bị biến đổi là gelmek, được thêm từ bổ sung “ilk”, do vậy chúng ta không dùng
Buraya ilk geldiğim zaman her şey çok farklıydı.
Có thể hiểu nôm na là, người nói muốn nhấn mạnh vào thời điểm họ tới lần đầu tiên, do vậy phải dùng de/da (vì de/da mang nghĩ là “tại”/”ở”, do vậy người nói nhấn mạnh: “(ở) cái lần đầu tiên tôi tới đây.”. Còn zaman thì giống như mang nghĩa 1 khoảng thời gian hơn là 1 khoảnh khắc)
Onu son gördüğümde küçücük bir çocuktu
Lần cuối tao thấy nó, nó còn bé tí tẹo teo
Hành động bị biến đổi là görmek, từ bổ sung “son” cuối. Do vậy chúng ta hiểu ý người nói muốn nhấn mạnh vào khoảnh khác “lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó”.
- Chú ý 4:
Miêu tả các hành động được lặp đi lặp lại với từ hỗ trợ “her”mỗi
Seni her gördüğüm zaman mutlu oluyorum
Seni(her) gördüğümde mutlu oluyorum
Mỗi lần nhìn thấy em, anh vô cùng hạnh phúc
Mình để (her) trong ngoặc cho câu thứ 2 (với de/da), vì khi dùng de/da, chúng ta có thể thêm her hoặc không, người nói vẫn hoàn toàn có thể hiểu theo nghĩa “mỗi khi” .
Phân biệt với -ken
Sự khác nhau rõ ràng nhất có thể nhận thấy ngay lập tức, đó là khi thêm -ken, chúng ta không có hậu tố chỉ ngôi, hoàn toàn phải dựa vào văn cảnh để biết hành động đó được thực hiện bởi người nào. Còn ở văn phạm ngữ pháp ngày hôm nay, chúng ta có thể hiểu ngay người làm hoạt động đó là ai dựa trên ngôi được chia.
Phân biệt sâu hơn về mặt ý nghĩa:
Quay trở lại ví dụ :
Dün gece yattığımda saat dört olmuştu
Đêm qua khi tao đi ngủ là đã bốn giờ sáng rồi
Ở câu trên, chúng ta có thể dùng -ken không?
(Dün gece ben yatarken saat dört olmuştu)???
Trước hết, chúng ta nhớ lại 5 trường hợp dùng -ken đã được liệt kê ở bài 15, phần 3 .
Trường hợp 1: Để thể hiện 1 việc làm bị chen ngang bởi việc làm khác:
Trong câu Đêm qua khi tao đi ngủ là đã bốn giờ sáng rồi , không có hành động nào bị chen ngang bởi hành động nào hết.
-> Không phải trường hợp 1
Trường hợp 2: Để thể hiện 2 việc làm song song, diễn ra đồng thời
Đêm qua khi tao đi ngủ là đã bốn giờ sáng rồi
Có thể bạn nghĩ hành động đi ngủ và 4h sáng là diễn ra đồng thời. Thực ra không phải vậy!
Lý do vì, 4h sáng không phải 1 hành động mà đây là 1 sự việc, hay nói đúng hơn là sự việc chính trong câu (ám chỉ “rất muộn”).
Còn nếu bạn vẫn cho rằng đây là 1 hành động vì có động từ “olmak” (olmuştu), mình có thể giải thích như sau: văn phạm -ken miêu tả 2 hành động chung chung, có sự quan trọng tương đương nhau trong câu, KHÔNG ở trong 1 khoảnh khắc cụ thể nào đó, KHÔNG có hành động nào làm nền để làm nổi bật lên hành động nào. (VD: Öğretmen yazmaya önem verirken biz konuşmayı daha çok önemsiyoruz.). Còn câu ví dụ của chúng ta, có khoảnh khắc cụ thể (lúc đi ngủ), có sự việc chính (4h sáng). Do vậy đây KHÔNG PHẢI hai việc làm diễn ra song song.
-> Không phải trường hợp 2
Trường hợp 3: Để thể hiện khi chuẩn bị làm việc gì thì bị chen ngang bởi một việc khác
-> Không phải trường hợp 3
Trường hợp 4: Để thể hiện một việc làm nào đó sắp được hoàn thành thì bị thay đổi vào phút chót.
-> Không phải trường hợp 4
Trường hợp 5: Khi trong câu có 2 động từ, nếu động từ có -ken được thực hiện thì động từ còn lại sẽ được thực hiện tiếp theo sau đó
-> Không phải trường hợp 5
Do vậy, chúng ta không thể dùng -ken Dün gece ben yatarken saat dört olmuştu
Hy vọng các bạn đã hiểu sự khác nhau giữa 2 văn phạm ngữ pháp này
BÀI TẬP
Điền hậu tố thích hợp vào chỗ trống
